Luật Doanh nghiệp năm 2014 và các văn bản hướng dẫn được ban hành, đưa ra nhiều điều khoản cởi mở và có lợi hơn đối với doanh nghiệp, trong đó phải kể đến là quy định về con dấu, về đăng ký kinh doanh, về người đại diện theo pháp luật của công ty, hoặc tổ chức lại doanh nghiệp.
Trước hết, về con dấu, hiện nay doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Khác với trước, doanh nghiệp phải đăng ký và được chấp thuận của cơ quan Công an về mẫu con dấu, nhưng quy định hiện nay chỉ là doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Quy định này giúp doanh nghiệp đỡ phiền hà, tốn kém về chi phí, thời gian và phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Chủ doanh nghiệp tư nhân đối với doanh nghiệp tư nhân, Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần quyết định số lượng, hình thức, nội dung và mẫu con dấu, việc quản lý và sử dụng con dấu, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác. Nội dung Điều lệ hoặc Quyết định về con dấu của doanh nghiệp phải bao gồm:
+Mẫu con dấu, gồm: Hình thức, kích cỡ, nội dung, mầu mực dấu.
+Số lượng con dấu.
+Quy định về quản lý và sử dụng con dấu.
Mẫu con dấu doanh nghiệp được thể hiện dưới một hình thức cụ thể (hình tròn, hình đa giác hoặc hình dạng khác). Mỗi doanh nghiệp có một mẫu con dấu thống nhất về nội dung, hình thức và kích thước.
Thông tin về mã số doanh nghiệp và tên doanh nghiệp trong nội dung mẫu con dấu thực hiện theo quy định tại Điều 30 và Khoản 1 Điều 38 Luật Doanh nghiệp. Ngoài thông tin nêu trên, doanh nghiệp có thể bổ sung thêm ngôn ngữ, hình ảnh khác vào nội dung mẫu con dấu của doanh nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
a) Quốc kỳ, Quốc huy, Đảng kỳ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
b) Hình ảnh, biểu tượng, tên của nhà nước, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp.
c) Từ ngữ, ký hiệu và hình ảnh vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
Ngoài các điều trên, doanh nghiệp phải tuân thủ quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan khi sử dụng hình ảnh, ký hiệu trong nội dung hoặc làm hình thức mẫu con dấu. Tranh chấp giữa doanh nghiệp và các cá nhân, tổ chức khác có liên quan về từ ngữ, ký hiệu và hình ảnh sử dụng trong nội dung mẫu con dấu của doanh nghiệp được giải quyết tại Tòa án hoặc trọng tài. Doanh nghiệp phải chấm dứt việc sử dụng con dấu có từ ngữ, ký hiệu hoặc hình ảnh vi phạm quy định tại Điều này và chịu trách nhiệm bồi thường các thiệt hại phát sinh theo quyết định có hiệu lực thi hành của Tòa án hoặc trọng tài.
Thứ hai về Đăng ký kinh doanh. Thời hạn để cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho các loại hình doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) được rút ngắn từ 5 ngày làm việc (theo luật Doanh nghiệp 2005) xuống còn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ. Nội dung Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh đã bỏ nội dung ngành, nghề kinh doanh, bỏ việc phải xác định vốn pháp định và chứng chỉ hành nghề. Điều này đã hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm theo quy định tại Hiến pháp năm 2013. Thêm vào đó, khi có sự thay đổi ngành, nghề kinh doanh, doanh nghiệp chỉ phải thông bảo với cơ quan đăng ký kinh doanh để được bổ sung trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp mà không phải đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới như luật cũ. Điều này giúp cho các doanh nghiệp không phải mất thời gian và thủ tục để chờ cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi muốn bổ sung ngành nghề kinh doanh. Trình tự và thủ tục quy định chi tiết tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 về Đăng ký doanh nghiệp (tải tại đây)
Về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, Luật mới cho phép Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty Cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp được quy định cụ thể tại Điều lệ công ty. Đây là quy định hoàn toàn mới mẻ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tận dụng được mọi cơ hội kinh doanh thông qua các đại diện theo pháp luật, đồng thời, gỡ rối cho doanh nghiệp trong các trường hợp: người đại diện duy nhất không hợp tác, không thực hiện các yêu cầu của thành viên/cổ đông trong quá trình quản lý điều hành nội bộ cũng như giao dịch với bên ngoài công ty. Quy định chi tiết tại Điều 13 của Luật doanh nghiệp năm 2014.
Cuối cùng về việc tổ chức lại, giải thể, phá sản doanh nghiệp. Thứ nhất, Luật Doanh nghiệp 2014 đã mở rộng các đối tượng được quyền hợp nhất, chia, tách, sáp nhập công ty cũng như quy định quy trình giải thể doanh nghiệp theo hướng “tự động”. Theo quy định cũ, việc hợp nhất, chia, tách, sáp nhập chỉ áp dụng đối với các công ty cùng loại, không phù hợp với thực tế, hạn chế và cản trở việc tổ chức lại hay mở rộng kinh doanh theo cách thức hợp nhất, chia, tách, sáp nhập công ty, làm giảm cơ hội đầu tư của doanh nghiệp. Do vậy, Luật mới đã cho phép các công ty khác loại hình có thể hợp nhất, chia, tách, sáp nhập (doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn, đồng thời bổ sung thêm quy định hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục về phương thức hợp nhất, chia, tách, sáp nhập và đăng ký lại sau khi hợp nhất, chia, tách, sáp nhập công ty. Ngoài ra, về việc cho phép doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng được quy định rõ ràng và hợp lý hơn, theo đó thời hạn tối đa để cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện thủ tục xóa tên doanh nghiệp là 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ giải thể. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ được tự động giải thể sau 180 ngày kể từ ngày cơ quan đăng ký kinh doanh nhận được quyết định giải thể của doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi các cơ quan, đặc biệt là cơ quan thuế sẽ phải khẩn trương thực hiện thủ tục quyết toán thuế cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng bổ sung quy định về giải thể doanh nghiệp trong trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án.