.
Tóm tắt câu hỏi: Bố mẹ em có khoảng 130m2 đất và nhà 4 tầng được xây dựng bên trên (đã có sổ đỏ). Năm 2013, bố em bị tai nạn mất. Đến nay gia đình em muốn làm các thủ tục để sang tên căn nhà trên cho mẹ em. Vậy xin hỏi gia đình em cần làm các thủ tục gì và như thế nào ạ?
Trả lời:
Rất cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Tư vấn BESCO. Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng và xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:
Do bố bạn đã chết nên 130m2 đất và nhà 4 tầng là di sản sẽ được tiến hành các thủ tục thừa kế theo luật định. Theo Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Công chứng năm 2014 thì cơ quan công chứng trực thuộc tỉnh, thành phố nơi có bất động sản là đơn vị có thẩm quyền thực hiện thủ tục thừa kế. Trước tiên họ sẽ xem xét việc bố bạn có để lại di chúc hay không
Nếu có di chúc thì sẽ xem xét tính hợp pháp theo quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015. Ngoài ra nội dung di chúc cần rõ ràng, chi tiết, tối thiểu là các nội dung quy định như sau:
a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;
b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
d) Di sản để lại và nơi có di sản.
Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xoá, sửa chữa.
Nếu di chúc có người làm chứng thì người làm chứng không phải là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; hoặc người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Nếu không hiệu lực của Di chúc sẽ khó được thực hiện do người làm chứng là người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến di sản được định đoạt.
Di chúc có thể mất hiệu lực một phần hoặc toàn bộ khi thuộc các trường hợp sau đây:
+Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
+Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.
Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
Ngoài ra cũng chú ý những đối tượng được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, cụ thể:
+Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
+Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Nếu không có di chúc thì căn nhà trên sẽ được tiến hành thủ tục thừa kế theo pháp luật để sang tên cho những người thừa kế. Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015, “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại”; “Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”. Từ đó, cơ quan công chứng xác định được những người sẽ được hưởng thừa kế là ai.
Thủ tục chung khi mở thừa kế tại cơ quan công chứng:
+Cơ quan công chứng sẽ tiến hành niêm yết Thông báo tiến hành các thủ tục thừa kế theo Di chúc/ theo pháp luật trong vòng 15 ngày tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản; trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó;
+Nếu không nhận được bất kỳ khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót, giấu giếm người được hưởng di sản thừa kế; bỏ sót người thừa kế; di sản thừa kế không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản thì tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc niêm yết sẽ tiến hành các thủ tục thừa kế, làm khai nhận thừa kế theo di chúc hoặc phân chia di sản thừa kế theo pháp luật.
Sau khi có văn bản khai nhận di sản thừa kế/văn bản phân chia di sản thừa kế đã được công chứng, bạn và gia đình có thể liên hệ với Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có bất động sản để làm thủ tục sang tên cho những người thừa kế.
Để có thể quyết định chính xác và chi tiết trường hợp của gia đình, bạn cần mang các giấy tờ (bản gốc/bản photo/bản sao y) liên quan đến tài sản, giấy tờ nhân thân chứng minh quan hệ của các thành viên trong gia đình tới phòng công chứng nơi có bất động sản để có hướng dẫn cụ thể nhất.
.
Hy vọng phần tư vấn của BESCO phần nào giải đáp thắc mắc của bạn. Nếu có bất kỳ vấn đề nào cần trao đổi, mời bạn liên hệ qua Hotline: 088.868.3334/ 0934.6688.02, hoặc gửi thư về địa chỉ: info@tuvanbesco.vn/ tuvanbesco@gmail.com, chúng tôi sẽ phúc đáp trong thời gian sớm nhất.